Dừng chân tại An Giang và thưởng thức 6 loại bánh ngon sau đây

Dừng chân tại An Giang và thưởng thức 6 loại bánh ngon sau đây

Nếu đến An Giang, bạn nhất định phải thử các món như bánh tráng phơi sương, bánh khọt… để cảm nhận hương vị đặc trưng nơi đây. Các loại bánh ở đây rất đa dạng và phong phú, hương vị mang đậm sắc màu miền Tây khiến ai ăn một lần cũng nhớ mãi. Tỉnh An Giang là đầu nguồn của sông Tiền khi chảy vào Việt Nam. Vùng sông nước Nam Bộ này có một nền ẩm thực vô cùng phong phú và đặc sắc. Dưới đây là 6 món bánh gợi ý cho bạn khi ghé thăm An Giang.

Bánh khọt – của người Khmer

Bánh khọt - của người Khmer
Ăn kèm cùng nước mắm pha loãng

Bánh khọt nơi đây là kiểu bánh của người Khmer, có nguyên liệu từ bột gạo pha loãng với nước cốt dừa và hành lá cắt nhỏ, không cho thêm bột nghệ để có màu vàng như các bánh khọt thường thấy ở Nam Bộ, bánh không được ăn kèm với rau sống. Phần bột gạo của bánh được đổ vào khuôn đất nung đã quét lớp dầu mỏng rồi chiên vàng. Đây là món bánh không có nhân, khi ăn bạn sẽ có thêm nước mắm pha loãng cùng nước cốt dừa để chấm bánh. Một trong số cửa hàng tại chợ còn thêm đậu xanh nấu chín trộn với cơm dừa nạo để tăng thêm hương vị cho món bánh.

Bánh hẹ – bánh có nguồn gốc từ Trung Hoa

Bánh hẹ được xem là món bánh của người Hoa. Có bán ở nhiều các khu vực đông người Hoa sinh sống. Nếu bạn có dịp ghé chợ Tân Châu; có thể gọi một phần bánh hẹ để làm món xế rất hợp vị. Nguyên liệu của món bánh hẹ làm từ bột gạo pha loãng, đem trộn với hẹ lá cắt nhuyễn, thêm chút gia vị rồi đổ khuôn hấp chín. Người bán thường cắt bánh thành từng miếng nhỏ hình thoi vừa ăn rồi chiên vàng ruộm hai mặt, có thể cho thêm cả trứng gà vào chiên vừa chín tới. Món bánh hẹ mềm bên trong, giòn bên ngoài hòa quyện cùng cái béo của trứng gà ta chấm cùng nước tương pha giấm.

Bánh bao chỉ – hình dạng nhỏ nhắn

Hình dạng của bánh bao chỉ nhỏ nhắn khác với loại bánh bao làm từ bột mì hấp nóng thường thấy. Nguyên liệu của món bánh được làm từ bột nếp; có nhân đậu xanh, đậu phộng, dừa hay mè đen. Vỏ bánh rất mỏng, mềm mịn trắng ngà. Bên ngoài tẩm cơm dừa nạo nhuyễn, khi ăn bạn sẽ cảm nhận được mùi thơm của nếp và bùi của nhân bánh ngọt dịu.

Xôi vị – hương vị hấp dẫn

Xôi vị được xem là một trong những món ngon dân dã thường gặp ở các khu chợ quê ở miền Tây và chợ Tân Châu, An Giang. Món xôi với nguyên liệu làm từ nếp non, nước cốt dừa, lá dứa, đường cùng mè, đậu phộng rang vàng. Khác với các loại xôi khác, xôi vị chứa một loại gia vị độc đáo là tai hồi; khi ăn xôi vẫn ngửi được mùi thơm thoang thoảng. Món xôi rất mềm dẻo, béo của nước cốt dừa, thêm màu xanh mướt của lá dứa. Bạn có thể vừa ăn vừa nhâm nhi cùng trà nóng, rất ngon.

Bánh xèo Núi Cấm

Bánh xèo Núi Cấm
Bánh xèo cùng các loại rau được hái trên núi Cấm

Bánh xèo Núi Cấm (huyện Tịnh Biên) lôi cuốn thực khách bởi hơn 20 loại rau rừng ăn kèm. Các quán bán bánh xèo sẽ lấy rau sạch; và rau thiên nhiên trên núi Cấm để làm nên một đĩa rau phong phú. Đó có thể là lá của cây xoài, rau tía tô, xà lách các loại; cho đến các loại dưa giá rất phong phú. Bánh xèo chỉ bao gồm thịt ba rọi, giá và tép như hầu hết những vùng khác. Tuy nhiên lại thu hút được nhiều người bởi cái phong vị thiên nhiên và lạ miệng của các loại rau rừng. Thưởng thức bánh xèo Núi Cấm thực khách sẽ được nếm các loại rau với đủ mùi vị; tất cả hòa trộn thành một hương vị rất đặc biệt.

Bánh bò thốt nốt

Bánh bò thốt nốt có thể được xem là đặc sản của An Giang. Bánh bò được làm từ đường của cây thốt nốt nên có vị ngọt không gắt và có màu vàng ươm đẹp mắt. Bánh bò thốt nốt có 2 loại là bánh bò khô và bánh bò ăn kèm với nước dừa. Ở Châu Đốc và Tân Châu là hai nơi bán nhiều bánh bò thốt nốt. Đặc biệt bánh bò thốt nốt có chan nước dừa beo béo rất nổi tiếng ở Tân Châu.

Bên trên là một vài món ngon dân dã, đặc trưng tại An Giang nằm trong chuyên mục Ẩm thực 3 miền. Hy vọng đây là thông tin bổ ích cho bạn.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *